Giò xào hay có thể gọi khác là giò thủ hoặc giò mỡ được làm từ các bộ phận của thủ heo (lợn) như tai heo, lưỡi heo, má heo, mũi heo và ít thịt chân giò kèm với mộc nhĩ và gia vị tẩm ướp. Món ăn này được thực hiện khá đặc biệt và tỉ mỉ nhưng làm cũng rất đơn giản mà lại không mất nhiều thời gian. Đặc biệt vào dịp Tết nguyên đán ở Việt Nam thì trên mỗi mâm cỗ trong mỗi gia đình không thể bỏ qua món ăn này, bởi đây là một món ngon và nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, nếu không biết cách làm giò xào này thì giò sẽ dễ bị hôi, cứng hoặc dễ bị ngấy, và ngoài món giò xào truyền thống từ thịt lợn thì cũng có những món giò xào biến tấu: giò xào chay, giò xào gà nấm hương. Vì thế hãy tham khảo cách làm giò xào giòn ngon, không ngấy ngày Tết sau đây nhé!
Cách làm giò xào truyền thống
Nguyên liệu làm món giò xào truyền thống
- Tai heo: 700 gr
- Má heo: 300 gr
- Lưỡi lợn: 500 gr
- Mũi lợn: 200 gr
- Mộc nhĩ: 100 gr
- Thịt chân giò: 700 gr
- Hạt tiêu xay vỡ, hành khô, nước mắm, lá chuối, dấm, dụng cụ khuôn…
Quá trình thực hiện làm món giò xào
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
+ Đầu tiên, rửa sạch thịt chân giò, tai lợn, má lợn, mũi lợn với nước muối loãng và giấm (mục đích là loại bỏ mùi hôi), thái miếng mỏng, dài khoảng 5 – 10cm. Sau đó, đun nồi một nước sôi bỏ thêm chút muối, chần chín vừa.
+ Lưỡi lợn cũng đem chần qua với nước sôi có một ít muối và giấm, cạo sạch phần màng trắng trên bề mặt lưỡi, thái miếng mỏng dài.
+ Đem ướp thịt với tỏi băm, hành tím băm, ½ thìa café muối, 2 thìa café hạt nêm, 1 thìa café nước mắm, 2 thìa café tiêu rồi ướp trong khỏang 30 phút.
+ Mộc nhĩ ngâm nở, rửa sạch, thái sợi mỏng dài.
- Bước 2: Bắc chảo lên bếp và làm nóng chảo, phi thơm 1 ít hành, tỏi băm với một ít dầu ăn, sau đó cho bát thịt đã ướp xong vào đảo đều tay liên tục trong khoảng 15 phút cho thịt chín đều.
Khi thấy thịt hơi cháy cạnh và phần mỡ bắt đầu chảy ra thì cho mộc nhĩ vào xào thêm tầm 2 – 3 phút cho mộc nhĩ chín đều. Nêm nếm gia vị cho vừa khẩu vị của gia đình, tắt bếp và rắc thêm một ít hạt tiêu cho món giò xào dậy mùi.
3 Cách bó giò xào:
-
Cách bó giò xào bằng khuôn:
Bạn có thể mua khuôn ép giò xào sẵn có tại các gian hàng đồ gia dụng. Khuôn ép giò xào rửa sạch, để khô.
Khi các nguyên liệu còn nóng ấm thì nhồi giò xào vào khuôn rồi ép chặt, dùng muỗng ấn đều sau đó vặn vít chặt tay xuống thì miếng giò mới dính nhau được chặt và ngon hơn.
-
Cách bó giò xào không cần khuôn (bó giò xào bằng lá chuối)
Lá chuối cắt về rửa sạch với nước, lau lá thật khô rồi đem phơi 1 nắng để lá hơi héo như vậy thì khi bó giò xào sẽ không bị gãy lá. Khi giò xào vẫn còn nóng ấm thì nhanh tay đổ luôn ra lá chuối đã rải sẵn, dùng lạt nén chặt lại và quấn lá chuối rồi gói giò xào thật chắc. Để giò được chặt hơn, có thể dùng các vật nặng như thớt, nồi,… đè lên giò xào rồi để qua đêm
Với cách làm giò xào không cần khuôn này, bạn có thể tự làm giò một cách dễ dàng mà không cần các vật dụng cầu kì.
-
Cách bó giò xào bằng chai nhựa
Thay vì sử dụng khuôn kim loại hoặc lá chuối để gói giò xào, thì có thể sử dụng chai nhựa để gói giò xào.
Chai nhựa rửa sạch đem phơi ráo nước sau đó cắt bỏ phần đầu chai và đục vài lỗ nhỏ ở đáy chai để giò có chỗ thoát khí.
Khi nguyên liệu còn nóng ấm, thì bắt đầu cho nguyên liệu vào chai và nén thật chặt để thịt lấp đầy chai, lưu ý không để có kẽ hở. Có thể dùng chày để nén cho chặt, sau đó dùng túi nilon hoặc lá chuối bọc phần miệng chai lại rồi cho vào tủ lạnh khoảng 8 tiếng hoặc để qua đêm.
Lưu ý:
- Nén càng chặt giò xào trong bước gói giò xào thì món ăn sẽ càng dai càng thơm ngon và không bị bở hay rời rạc.
- Món giò xào ngon có thể kết hợp nấm hương, nhưng nếu muốn giữ và dùng trong thời gian lâu thì không sử dụng nấm hương khi làm giò xào.
- Với giò xào bó bằng khuôn hoặc chai nhựa thì sau khi tháo khỏi khuôn, nên lấy giấy bạc hoặc lá chuối bó lại rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần.
Cách làm giò xào gà nấm hương
Nguyên liệu làm giò xào gà nấm hương:
- Thịt đùi gà: 600 gr
- Tai heo: 200 gr
- Nấm hương: 200 gr
- Mộc nhĩ: 200 gr
- Gia vị: đường, mắm, muối, tiêu
Quá trình thực hiện làm giò xào gà nấm hương
- Bước 1: Ngâm mộc nhĩ và nấm hương trong nước ấm để mềm và nở ra.
- Bước 2: Làm sạch thịt đùi gà, lọc bỏ xương lấy thịt rồi thái thịt gà thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
- Bước 3: Tai heo rửa sạch với nước muối loãng rồi chần qua nước sôi để tai heo hết mùi hôi sau đó thái nhỏ thành từng miếng dài, mỏng.
- Bước 4: Vớt mộc nhĩ và nấm hương ra thái nhỏ thành sợi. Đập thêm 1 ít gừng.
- Bước 5: Cho thịt đùi gà và tai heo vào bát rồi trộn đều.
- Bước 6: Phi gừng thơm lên với ít dầu rồi cho hỗn hợp thịt vào đảo đều với lửa to. Trong lúc đảo thịt thì nêm nếm gia vị sao cho vừa với khẩu vị của gia đình thưởng thức. Khi gần đảo xong, thịt săn lại thì cho nấm vào đảo tiếp và cuối cùng là cho mộc nhĩ vào đảo qua cho ngấm gia vị rồi tắt bếp.
- Bước 7: Gói giò xào gà nấm hương: tương tự như 3 cách bó giò xào truyền thống như trên.
Sau đó, bảo quản giò xào gà nấm trong ngăn mát tủ lạnh, dùng đến đâu thì cắt miếng đến đó.
Cách làm giò xào chay
Nguyên liệu làm giò xào chay:
- Mộc nhĩ
- Váng đậu
- Mỳ căn
- Nấm tuyết
- Bột rau câu
- Ngũ vị hương
- Các loại gia vị chay: mắm, muối ăn, mỳ chính, hạt tiêu, dầu ăn…
Quá trình thực hiện:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu:
+ Cho mộc nhĩ, nấm tuyết ngâm với nước nóng cho mềm và nở ra. Sau đó, loại bỏ phần gốc cứng, rồi đem thái sợi nhỏ.
+ Phần váng đậu khô rửa 2 lần bằng nước ấm cho sạch và mềm, sau đó để ráo nước rồi thái miếng.
+ Với mỳ căn, đem chần qua với nước sôi cho mềm rồi cắt ngắn.
Đem tất cả các nguyên liệu vừa sơ chế bỏ vào một bát tô, ướp với ngũ vị hương, mỳ chính, nước mắm (chay), muố, hạt tiêu… vừa ăn. Sau đó bọc kỹ bát lại rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh để khoảng 2 tiếng cho nguyên liệu ngấm đều gia vị.
- Bước 2: Đặt chảo lên bếp, thêm khoảng 3 thìa dầu ăn. Khi dầu trong chảo sôi, lấy hỗn hợp gồm: nấm tuyết, mộc nhĩ, váng đậu và mỳ căn đã ướp sẵn ra cho vào chảo xào tới khi chín thì nêm nếm thêm gia vị sao cho vừa miệng.
- Bước 3: Đổ bột rau câu vào khoảng 2 cốc nước, khuấy đều cho tan hết rồi cho vào nồi bật bếp đun sôi. Chờ khoảng 5 phút thì tắt bếp. Tiếp theo, cho các nguyên liệu đã xào vào nồi nước rau câu vừa nấu và đảo đều. Khi hỗn hợp đã đều nhau, lấy những chiếc bát nhỏ rồi lần lượt đổ hỗn hợp vào khuôn hoặc từng bát nhỏ. Đợi hỗn hợp nguội thì cất vào ngăn mát tủ lạnh. Sau khi để trong tủ lạnh từ 4- 5 tiếng, hỗn hợp đã đông cứng lại, thì ăn bao nhiêu thì lấy từng đó ra dùng.
Những miếng giò xào thơm ngon, giòn sần sật, thơm thơm cay cay của hạt tiêu, vậy sao bạn không thử sức mình với món ăn này ngay tại nhà mình chứ nhỉ? Vừa đảm bảo an toàn, vệ sinh mà biết đâu lại còn ngon hơn cả ngoài quán. Hi vọng với một số cách làm giò xào giòn ngon, không ngấy ngày Tết trên sẽ giúp các bạn bổ sung vào thực đơn của mình, để không chỉ những ngày Tết cổ truyền, mà những ngày bình thường, chỉ cần muốn ăn là bạn có thể bắt tay vào bếp và làm ngay được. Chúc các bạn thành công với món ăn này!