Khô bò được biết đến như một món khô không xa lạ với tất cả mọi người, vị cay cay dai dai ngọt thịt chỉ cần thử một lần là nhớ mãi. Hôm nay các bạn hãy cùng lên đồ vào bếp để làm món khô bò ngay tại nhà thật đơn giản mà ngon mê mẩn với bài viết dưới đây về Cách làm khô bò đón tết tại nhà đơn giản nhé!
1. Cách làm khô bò miếng
Khô bò miếng là món ăn vặt được rất nhiều người yêu thích. Món ăn này được làm từ thịt bò tươi đem tẩm ướp, sau đó sấy hoặc phơi khô ở nhiệt độ cao giúp món ăn bảo quản được lâu. Đây là một món ăn không chỉ đem lại cảm giác lạ miệng, hấp dẫn, mà nó còn chứa nhiều giá trị dinh dưỡng. Hãy cùng theo dõi cách làm khô bò miếng dưới đây nhé!
Nguyên liệu làm khô bò miếng
– Thịt bò: 1kg (chú ý nên chọn phần thịt thăn hoặc thịt mông).
– 1/2 gói ngũ vị hương.
– 4 thìa cà phê dầu hào.
– 1/2 gói gia vị bò kho.
– 6 thìa cà phê mật mía (hoặc đường nâu).
– 2.5 thìa cà phê nước mắm.
– 2 thìa ớt bột Hàn Quốc.
– 2 quả ớt.
– 2 thìa cà phê sa tế.
– 5 củ sả.
– 1 củ gừng.
– 5 tép tỏi.
Cách làm khô bò miếng
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Sau khi rửa sạch thịt bò thì lấy một cái khăn thấm thịt bò cho thật khô
Thịt bò thái miếng to bản, dày khoảng 0,5 cm – 0,7 cm.
Sả, gừng, tỏi và ớt đem băm nhuyễn
Bước 2: Ướp thịt làm khô bò
Trộn tất cả hỗn hợp nguyên liệu gồm sả, gừng, tỏi, ớt đã băm nhỏ cùng ớt bột Hàn Quốc dầu hào, sa tế, nước mắm, mật mía, gói gia vị bò kho, gói ngũ vị hương vào một cái bát và trộn đều.
Cho thịt bò vào hỗn hợp gia vị đã trộn để ướp, bóp đều tay để hỗn hợp ngấm vào thịt bò được dễ hơn.
Bọc kín bát thịt đã tẩm ướp lại bằng màng bọc thực phẩm, sau đó để vào ngăn mát tủ lạnh rồi ướp thịt trong khoảng 8 tiếng – 12 tiếng, thỉnh thoảng lấy ra đảo để cho gia vị thấm đều hơn.
Bước 3: Đun thịt làm khô bò
Sau khi ướp đủ thời gian, cho thịt lên bếp đun sôi, hạ lửa nhỏ liu riu để thịt bò tiết ra nước. Trong quá trình đun, thỉnh thoảng mở vung ra để đảo thịt.
Đun sôi trong khoảng 15 – 20 phút đến khi gần cạn nước thì nêm nếm lại gia vị. Nên nêm gia vị nhạt một chút để khi gia vị cạn ngấm vào thịt là vừa.
Đến khi nồi thịt đã cạn nước, hỗn hợp sệt lại thì tắt bếp và chờ nguội thịt.
Thịt đã nguội thì sử dụng thớt và vật dụng để lăn hoặc dằm nhẹ từng miếng thịt bò trên thớt cho thịt mềm ra.
Bước 4: Sấy khô bò
Làm nóng lò nướng ở nhiệt độ từ 100 °C – 120 °C.
Cho thịt bò vào lò nướng và tiến hành sấy thịt trong khoảng từ 40 phút – 50 phút (nếu thích ăn ẩm thì sấy 30 – 40 phút hoặc ai thích ăn khô có thể sấy lâu hơn). Trong lúc nướng, cứ 10 phút lại mở lò ra lật miếng thịt bò cho chín đều.
Có thể kiểm tra độ khô của thị bằng cách xé thử một miếng dọc theo thớ thịt.
Cứ nướng đến khi đạt đến vị tùy thích thì để nguội rồi đem bảo quản để ăn dần.
2. Cách làm khô bò sợi
Nguyên liệu làm khô bò sợi
– Thịt bò: 1 kg
– Tỏi băm: 6 muỗng canh
– Tiêu xay: 4 muỗng cà phê
– Muối: 2 muỗng cà phê
– Dầu hào: 4 muỗng canh
– Nước tương: 4 muỗng canh
– Dầu màu điều: 4 muỗng canh
– Sả băm: 10 muỗng canh
– Bột cà ri: 2 muỗng cà phê
– Bột ngũ vị hương: 2 muỗng cà phê
– Bột nghệ: 2 muỗng cà phê
– Đường nâu: 6 muỗng canh
– Ớt bột: 6 muỗng cà phê
Cách làm khô bò sợi
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Thịt bò rửa sạch, cắt thành từng miếng mỏng có độ dày khoảng 2 – 3cm, dài khoảng 10cm. Lưu ý cắt theo xớ thịt dọc để xé sợi thịt không bị nát.
Bước 2: Ướp thịt bò
Cho thịt bò vào 1 tô lớn rồi lần lượt cho tất cả các nguyên liệu gồm tỏi băm, tiêu xay, muối, dầu hào, nước tương, dầu màu điều, sả băm, bột cà ri, ngũ vị hương, bột nghệ, đường nâu, ớt bột.
Sau đó đeo bao tay trộn thật đều thịt bò với các gia vị ướp. Ướp thịt bò trong khoảng 2 – 3 giờ đồng hồ, nếu có thời gian bạn có thể ướp thịt 4 giờ để gia vị thấm sâu vào thịt. Hoặc bạn có thể để thịt qua đêm trong ngăn mát tủ lạnh.
Bước 3: Rim thịt khô bò
Sau khi thịt ướp xong cho thịt vào chảo chống dính, đổ vào 200ml nước. Rim thịt với lửa vừa cho tới khi cạn hết nước, đảo cho thịt khô lại.
Khi thịt bò đã khô bạn lấy thịt ra, dùng chày dần miếng thịt bò cho mềm rồi xé thành sợi nhỏ.
Đặt chảo lên bếp, cho thịt bò đã xé sợi vào xào đến khi sợi bò khô lại thì tắt bếp.
Bước 4: Thành phẩm
Để thịt khô bò nguội hoàn toàn, bạn cho thịt vào hũ đậy kín nắp, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh dùng dần.
Thịt khô bò sợi dai dai, ngọt thịt, vị cay nồng vô cùng hấp dẫn. Đây vừa có thể là món ăn chơi, đồ nhắm đều thơm ngon.
3. Cách làm khô bò cho người ít ăn cay
Khô bò ít cay là một món ăn vô cùng hấp dẫn. Màu sắc đỏ nâu sẫm, hương vị đậm đà bởi sự kết hợp giữa vị cay, mặn, ngọt một cách hoàn hảo, dai nhưng không cứng. Ai đã từng ăn chắc chắn sẽ bị hấp dẫn, lôi cuốn khó cưỡng.
Nguyên liệu làm khô bò ít cay
– 1 miếng thịt phi lê bò (khoảng 300 – 450 gram).
– 1 thìa dầu ăn.
– 1 củ tỏi.
– 1 củ gừng.
– 80ml nước cốt me
– 1 chút tiêu xay.
– 2 thìa nước tương.
– 2 thìa mật ong.
– Ớt (Số lượng tùy theo khẩu vị).
Cách làm khô bò ít cay
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Sau khi rửa sạch thịt bò, lấy khăn thấm thịt bò cho thật khô
Thịt bò thái miếng to bản, dày khoảng 0,5 cm – 0,7 cm.
Thái nhỏ gừng, tỏi, ớt.
Bước 2: Ướp thịt bò
Giã nhuyễn (hoặc xay nhuyễn) hỗn hợp dầu ăn, tỏi, gừng, ớt, nước cốt me, nước tương, tiêu, mật ong và trộn đều.
Cho thịt bò vào hỗn hợp gia vị trên để ướp thịt, sử dụng găng tay để trộn đều thịt và gia vị.
Ướp thịt ít nhất 1 tiếng – 2 tiếng đồng hồ để gia vị thấm vào thịt.
Bước 3: Sấy thịt bò
Bật lò nướng ở nhiệt độ 100 độ và xếp thịt bò lên khay.
Tiến hành nướng thịt trong vòng 2 tiếng. Trong quá trình nướng thịt, cứ 20 phút lấy khay thịt ra và trở thịt 1 lần rồi cho vào lò nướng tiếp.
Sau khi thấy thịt bò trở màu sẫm thì tắt lò, lấy thịt ra để nguội và cuối cùng là thưởng thức.
4. Cách làm khô bò một nắng
Khô bò một nắng là món ăn phổ biến với hương vị thơm ngon, hấp dẫn. Mặc dù bò một nắng có phần hơi cứng nhưng với mùi thơm của thịt bò kết hợp cùng mùi cay nồng của nước chấm sẽ tạo nên một hương vị khó quên.
Nguyên liệu làm khô bò một nắng
– Thịt bò: 1kg
– 4 củ hành tím.
– 4 cây sả.
– 4 trái ớt sừng.
– 4 nhánh tiêu xanh.
– 4 tép tỏi.
– 1 củ gừng.
– 1 củ riềng.
– 3 muỗng cà phê sa tế.
– 1/2 muỗng cà phê nước mắm.
– 1 muỗng cà phê tương ớt 1 muỗng cà phê.
– 1 ít gia vị thông dụng (đường, muối, tiêu).
– 1 muỗng cà phê bột ngũ vị hương.
Cách làm khô bò một nắng
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Sau khi rửa sạch thịt bò, lấy khăn thấm thịt bò cho thật khô
Thịt bò thái miếng to bản, dày khoảng 0,5 cm – 0,7 cm.
Giã nhuyễn gừng, ớt, riềng, tỏi, hành tím, tiêu xanh, sả bằng cối (hoặc xay nhuyễn nếu có máy xay).
Bước 2: Ướp thịt bò
Trộn hỗn hợp muối, đường, tiêu (mỗi thứ 1 muỗng cà phê), ngũ vị hương, sa tế, tương ớt, nước mắm cùng với các nguyên liệu đã xay nhuyễn và sau đó trộn đều.
Cho phần thịt bò đã làm sạch vào hỗn hợp gia vị trên để ướp.
Ướp thịt trong thời gian tối thiểu là 2 tiếng – 3 tiếng
Bước 3: Phơi khô bò
Sau khi ướp đủ thời gian, trải từng miếng thịt lên mâm và phơi trực tiếp dưới nắng từ 4 tiếng – 6 tiếng. Nên trở bề thịt sau khoảng 2 tiếng – 3 tiếng để thịt được khô đều.
Nếu không có nắng, có thể sử dụng lò nướng để sấy ở nhiệt độ 80 độ trong vòng 2 tiếng – 3 tiếng.
Bước 4: Thành phẩm
Có thể sử dụng trực tiếp hoặc nướng, chiên, hấp…
5. Lưu ý khi chọn mua thịt bò tươi chất lượng
– Bạn nên ưu tiên chọn miếng thịt bò có màu đỏ tươi xen lẫn là những đường gân màu trắng và phần mỡ có màu vàng tươi, thớ thịt bò mềm, nhỏ và nhìn không quá mịn.
– Nếu dùng tay nhấn nhẹ vào miếng thịt bò mà thấy có độ cứng và độ đàn hồi tốt, không gây cảm giác bị dính tay và không xuất hiện mùi hôi khó chịu, bất thường nào thì đó chính là miếng thịt bò tươi ngon.
– Nên tránh mua những miếng thịt bò có màu tái xanh hoặc màu đỏ sẫm, phần mỡ màu vàng đậm, xuất hiện những nốt trắng trên thớ thịt và khi sờ vào có cảm giác nhão và bị nhớt tay.
6. So sánh các cách sấy khô bò
Trong cách làm khô bò, sau công đoạn ướp thịt bò được thực hiện, có rất nhiều cách để sấy khô bò. Phổ biến nhất là 4 cách: dùng nồi chiên không dầu, dùng lò nướng, dùng nồi cơm điện và dùng chảo. Mỗi cách làm đều có những ưu và nhược điểm khác nhau. Vậy cách nào là tối ưu nhất? Dưới đây sẽ so sánh cách sấy khô bò bằng những thiết bị khác nhau:
6.1 Sấy khô bò bằng nồi chiên không dầu
Ưu điểm:
Ít chất béo, ít calo: Khi ướp thịt sẽ cần cho ít dầu hơn so với những cách khác. Dùng cách này không cần nhiều dầu nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng đồng thời cắt giảm đáng kể hàm lượng calo và chất béo có trong dầu ăn.
Tạo ra ít hợp chất có hại: Nhờ đặc điểm không cần nhiều dầu ăn nên việc sử dụng nồi chiên không dầu giúp giảm thiểu đáng kể sự tích tụ các hợp chất có hại trong thức ăn. Đồng thời hạn chế được sự phơi nhiễm với các hợp chất có hại khác trong dầu.
Nhược điểm:
Dung tích nấu ăn nhỏ: Nồi chiên không dầu có dung tích nấu ăn nhỏ hơn lò nướng, nên với lượng thịt bò nhiều thì sẽ cần phải chia thành nhiều lần cho quá trình sấy thịt. Điều này sẽ khiến kéo dài thời gian sấy thịt.
6.2 Sấy khô bò bằng lò nướng
Ưu điểm:
Dung tích nấu ăn lớn: Nếu nồi chiên không dầu phải chia ra nhiều lần sấy thì với dung tích nấu lớn của lò nướng, thì bạn sẽ cho một lượng thịt bò lớn trong một lần sấy giúp tiết kiệm thời gian sấy thịt.
Tỏa nhiệt tốt: Tỏa nhiệt đều giúp chất lượng thịt bò khô được ngon hơn.
Nhược điểm:
Vấn đề về an toàn: Lò nướng trong quá trình sử dụng sẽ rất nóng. Nên việc trở thịt bò trong quá trình sấy thịt là rất không an toàn, bạn sẽ dễ bị bỏng. Nên đề phòng bằng cách đeo găng tay chống nóng và kẹp.
6.3 Sấy khô bò bằng nồi cơm điện
Ưu điểm:
Đơn giản, tiện lợi, dễ làm: Không cần phải canh lửa hay chỉnh chế độ, bạn chỉ cần đậy nắp nồi, nhấn “Cook”. Khi nồi nhảy sang chế độ “Warm” thì mở nắp nồi, giở mặt thịt và đậy nắp, nhấn “Cook” lần nữa. Ngoài ra, hầu hết nhà nào cũng có nồi cơm điện nên cách này rất tiện lợi.
An toàn: Nồi cơm điện không nóng như các vật dụng khác, ít gây nguy hiểm và giúp bạn dễ dàng hơn khi giở mặt thịt.
Nhược điểm:
Kéo dài thời gian sấy thịt: Bởi vì nhiệt độ không cao nên quá trình sấy thịt sẽ diễn ra lâu hơn so với các thiết bị tỏa nhiệt cao.
Dung tích nhỏ: Đa số các nồi cơm điện thường có dung tích nhỏ nên bạn sẽ cần phải chia thành nhiều lần cho quá trình sấy thịt. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến thời gian sấy thịt bị kéo dài.
6.4 Sấy khô bò bằng chảo chống dính
Ưu điểm:
Tiện lợi, dễ làm, dễ thực hiện: Đối với những ai không có các vật dụng hỗ trợ cho việc nướng, sấy thịt như nồi chiên không dầu, lò nướng thì việc sử dụng chảo chống dính là vô cùng tiện lợi vì nhà nào cũng sẽ có chảo.
Dung tích lớn: Với dung tích nấu lớn giúp tiết kiệm thời gian sấy khô bò, bạn có thể cho một lượng thịt bò lớn trong một lần sấy, không cần phải chia ra nhiều lần.
Nhược điểm:
Cần phải canh lửa, không nên để lửa quá nhỏ hoặc quá lớn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thịt.
Kéo dài thời gian sấy thịt bởi nhiệt độ không cao như các thiết bị khác.
7. Cách thưởng thức khô bò
Khô bò không chỉ là món ăn vặt, mà nó còn được biết đến bởi sự đa dạng, có thể kết hợp cùng những món ăn khác. Dưới đây là một số món ăn phổ biến được biến tấu với khô bò, tạo ra những hương vị vô cùng hấp dẫn được nhiều người yêu thích:
– Xôi khô bò thơm lừng: Vị cay ngọt của sợi bò khô, kết hợp với những hạt xôi dẻo thơm lừng sẽ đem lại cảm giác lạ miệng, hấp dẫn.
– Mỳ tôm thịt khô bò chua cay kết hợp: Mỳ tôm là món ăn quen thuộc với tất cả chúng ta, nên giờ đây hãy biến món ăn quen thuộc này trở nên lạ vị hơn với việc kết hợp thêm khô bò.
– Nộm khô bò chua cay: Đĩa nộm là sự kết hợp giữa đu đủ, xoài xanh, dưa chuột, cà rốt… và cả khô bò nữa. Tất cả hòa quyện lại với nước trộn chua ngọt, cay cay tạo nên một hương vị hấp dẫn khó quên.
– Khô bò vắt chanh: Đây là cách ăn vặt phổ biến và ngon miệng nhất. Vị cay cay ngọt ngọt của bò khô kết hợp với vị chua của chanh thì tuyệt vời biết bao.
Tết nguyên đán cũng gần cận kề, bạn có thể đãi người thân bạn bè món ăn này để nhâm nhi khi ngồi trò chuyện cùng nhau nhé. Hy vọng với Cách làm khô bò đón tết tại nhà đơn giản mà chúng tôi giới thiệu sẽ giúp bạn thực hiện thành công món ăn này ngay lần đầu tiên. Chúc các bạn thành công!