Bánh chưng là một món ăn truyền thống và cũng là nét đẹp cổ truyền được người Việt Nam gìn giữ suốt hàng nghìn năm nay. Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về nhà nhà chuẩn bị gạo nếp, lá dong, thịt mỡ… hòa cùng không khí rộn ràng gói bánh chưng ngày xuân đã tạo nên một cái Tết khó quên đối với mỗi người Việt Nam. Hôm nay, Win Way sẽ chia sẻ cho bạn cách làm bánh chưng ngày Tết với công thức bất bại mà ai cũng có thể áp dụng, cùng tìm hiểu ngay nhé!
Nguyên liệu cần thiết khi làm bánh chưng
- 1kg gạo nếp cái hoa vàng
- 500g đậu xanh
- 500g thịt ba chỉ
- 1 bó lạt tre mềm (hoặc lạt giang)
- 1 bó lá dong
- Muối, hạt nêm, tiêu
Hướng dẫn cách làm bánh chưng miền bắc đúng vị truyền thống
Bước 1: Sơ chế các nguyên vật liệu
Lá dong sau khi mua về bạn rửa từng lá thật sạch hai mặt rồi lau khô. Rửa càng sạch bánh đỡ bị mốc về sau lúc bạn gói. Dùng dao thật sắc, loại nhỏ dùng để gọt bỏ bớt cuống dọc sống lưng của lá để lá bớt cứng, để ráo nước nếu lá bạn quá giòn bạn có thể hấp một chút để lá mềm sẽ dễ dàng gói bánh hơn. Lạt tre mềm đem ngâm nước trong khoảng 8 giờ sau đó bạn xé sợi mỏng khoảng 0.5cm.
Tiếp đến là phần gạo nếp nhặt bỏ hết những hạt sạn có trong gạo rồi vo sạch ngâm gạo ngập trong nước cùng 4g muối trong thời gian khoảng 8 giờ. Sau thời gian ngâm vớt ra để ráo nước.
Phần đỗ xanh bạn đem giã nhuyễn cũng tiếp tục ngâm nước khoảng 4 giờ cho mềm và phần đỗ nở ra, bạn bỏ hết phần vỏ bên ngoài vớt đỗ xanh ra để ráo nước thêm vào đó một ít muối rồi trộn đều chung lại với nhau.
Thịt ba chỉ đem rửa sạch, để ráo, sau đó cắt thịt thành từng miếng khoảng 4cm và ướp với 4g hạt nêm, 1g tiêu để gia vị thấm trong khoảng 30 phút. Khâu chuẩn bị nguyên vật liệu cho bánh chưng đặc biệt quan trọng để bánh có thể bảo quản được lâu dài. Bạn không nên dùng nước mắm để ướp thịt làm vậy thịt sẽ không còn độ ngon khi gói bánh.
Bước 2: Gói Bánh
Bạn gấp là dong thành hình chữ nhật bên dưới rồi đặt khuôn lên trên. Sắp xếp gọn gàng những chiếc lá dong đã gấp vào khuôn. Khi xếp lá dong nên đặt mặt xanh đậm bên trong và mặt xanh nhạt bên ngoài, để khi bánh chín sẽ có màu xanh đẹp hơn.
Lấy một cái chén múc khoảng 200g gạo nếp cho vào khuôn, dàn phẳng rồi cho gạo nếp vào đầy đáy khuôn. Tiếp tục rải đều 100 gam đậu xanh lên trên mặt gạo, cho 1 miếng thịt lên trên rồi rải tiếp 100 gam đậu xanh khác cho ngập mặt thịt (không nên trải toàn bộ đậu xanh ra mép khuôn, chừa khoảng 1,5 cm).
Sau đó lấy 200 gam gạo nếp khác vo tròn xung quanh, phủ kín mặt đậu xanh. Dùng tay ấn nhẹ 4 góc và bề mặt bánh, cuối cùng gấp mép lá lại, ta dùng kéo cắt gọn những chỗ không cần dùng lá. Dùng tay trái giữ lá không cho lá xòe ra, tay phải từ từ lấy khuôn ra đặt vào cổ tay trái, giữ lá bằng tay phải và lấy khuôn ra khỏi tay.
Dùng lạt cột thêm cho đều và chắc bánh, cắt bỏ phần lạt còn dư cho bánh đẹp và gọn. Nếu công đoạn này khó thì các bạn có thể tham khảo clip dạy gói bánh chưng ở youtube để có cách gói bánh đẹp hơn và không bị bung gạo ra nhé.
Bước 3: Luộc bánh
Xếp bánh vào nồi theo chiều thẳng đứng đổ lượng nước ngập qua mặt bánh và luộc liên tục trong khoảng 8 giờ. Khi nấu bánh nếu cạn nước thì đổ thêm nước sôi vào ngập mặt bánh để bánh chín. Bánh sau khi luộc chín vớt ra, rửa sạch lá trong nước lạnh cho hết nhựa để cho thật ráo nước.
Xếp bánh thành nhiều lớp, dùng tay hoặc thớt ấn bánh vuông vắn hơn rồi để vài giờ cho bánh cứng và mịn. Sau đó treo bánh lên hoặc cất trong nhà để bánh ở nơi khô ráo tránh những nơi ẩm ướt.
Những lưu ý khi làm bánh chưng và nén bánh sao cho thật đều tay
Bánh chưng khi luộc phải đảm bảo bánh ở trên bếp củi đủ 12 giờ để bánh có thể chín đảm bảo nhân bánh sẽ không bị “lại gạo” bị sượng trong lúc ăn. Bánh chưng vớt ra nghi ngút khói để nguội trong cái lạnh của ngày Tết ngấm một chút hương vị đất trời vào trong bánh. Ngoài ra, sau khi vớt bánh ra bạn xếp bánh thành nhiều lớp dùng vật nặng ép vừa tay để bánh ra hết nước trong quá trình luộc bánh.
Bạn nên luộc bánh bằng củi sẽ thơm ngon và nhừ hơn luộc bánh bằng các loại khác. Nồi bánh phải đủ lửa để nước luôn sôi không được để thiếu nước, bạn nên có thùng nước bên cạnh tránh quá trình luộc bánh bị thiếu nước làm bánh mất ngon. Bạn chỉ được sử dụng nước ấm không nên đổ trực tiếp nước lạnh vào nồi bánh như vậy bánh của bạn sẽ nửa chín nửa sống.
Món ăn kèm với bánh chưng không làm bạn ngán
Nhưng các bạn cũng biết, bánh chưng được làm từ gạo nếp và thị mỡ nên khi ăn sẽ có cảm giác hơi ngán, nên trong mỗi mâm cơm có bánh chưng người ta thường kết hợp với những món ăn kèm chống ngán như:
Ăn kèm với dưa hành, kim chi, củ kiệu
Bánh chưng và dưa hành (dưa món) là cặp bài trùng không thể thiếu khi bạn ăn món bánh chưng trong dịp Tết. Vị dẻo của bánh chưng hương vị bùi bùi rất ngậy của thịt mỡ khi ăn kèm cùng một chút dưa hành, củ kiệu sẽ làm giảm độ ngấy trong bánh đưa tới bạn hương vị ngon hơn bao giờ hết. Hoặc bạn cũng có thể ăn kèm với kim chi đang là món ăn được nhiều bạn trẻ yêu thích hiện nay.
Ăn kèm với rau xanh và hoa quả
Bánh chưng là loại bánh giàu năng lượng, chất đạm và chất béo nên khi ăn kèm cùng với rau và hoa quả sẽ làm món ăn cung cấp thêm vitamin cho cơ thể không chỉ dễ ăn mà còn đảm bảo được đủ chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe trong mùa Tết.
Bánh chưng luôn là một nét đặc trưng đối với người Việt Nam, đặc biệt là những người xa quê, nhất là khi nhắc về lễ hội mùa xuân truyền thống của đất nước, họ có thể nói về nó với niềm tự hào và trân trọng. Không gì bằng khi thưởng thức một miếng bánh thơm phức mang hương vị của gạo nếp quyện với vị béo ngậy của đậu xanh, vị cay nhẹ của tiêu và hương vị của dưa hành.