Làm thế nào để sử dụng và bảo quản chảo chống dính đúng cách?

Chảo chống dính là một vật dụng quen thuộc trong căn bếp của mỗi gia đình . Tuy nhiên nếu không sử dụng đúng cách, chất chống dính có thể gây hại cho bạn.
Nguyên liệu đúc chảo được làm từ nhôm, thép hoặc gang, sau đó phủ một lớp chống dính trên mặt chảo. Lớp chống dính thường là teflon hoặc whitfort, đã được kiểm nghiệm về độ an toàn và hoàn toàn không gây độc hại, chịu được nhiệt, không dẫn điện, không dính dầu mỡ… Với những loại chảo thông thường không có nguồn gốc rõ ràng, đáy chảo chỉ phủ một lớp sơn chịu nhiệt, tạo một màu đen xám giống sơn chống dính nhưng lớp sơn sẽ bong tróc sau một thời gian ngắn do sự tác động của nhiệt.

Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện thêm loại chảo chống dính đá hoa cương. Với công nghệ sơn mới, sản phẩm có lớp sơn chống dính đá hoa cương có giá cao hơn sản phẩm sơn chống dính thông thường do tính năng chống trầy xước và chống dính cao.

Chảo chống dính đá hoa cương 

Sau đây là một số lời khuyên cho bạn khi sử dụng chảo chống dính:

Trước khi sử dụng lần đầu nên rửa chảo sạch bằng nước xà phòng, sau đó dùng thìa quét lớp cà phê lên mặt chảo và đem hâm nóng chảo, sau đó rửa lại chảo cho sạch. Cách này không những giúp khử mùi của lớp sơn chống dính mà giúp chảo dễ rửa hơn.

Cứ 10 -12 lần sử dụng lại thao tác bảo dưỡng như trên 1 lần. Càng làm nhiều, càng liên tục thì khi rán không bị dính và khi rửa sẽ dễ dàng hơn.

Nên sử dụng mức nhiệt vừa phải để rán, nếu nhiệt độ quá cao (ở khoảng 260ºC) có thể gây hỏng bề mặt chảo,  chất chống dính bắt đầu bị phân hủy, giải phóng các phân tử độc hại, gây ảnh hưởng đến thức ăn. 

Không làm nóng trước hoặc để chảo không trên bếp quá lâu. Các sản phẩm chống dính thường nóng lên rất nhanh và có thể giải phóng chất độc. Vì vậy, đừng để xoong chảo không trên bếp quá 2 phút, đặc biệt là khi lửa to.

Không nên dùng chảo chống dính để nướng hay rang khô thịt. 

Khi chảo đang nóng, không được đổ trực tiếp nước mắm hoặc muối vào vì lớp sơn chống dính sẽ bị rỗ.

Nên tận dụng tối đa bề mặt chảo khi rán.

Nên dùng thìa bằng gỗ hoặc nhựa để cạo hoặc thao tác trên mặt chảo. 

Nên chọn loại xoong, chảo nặng. Chảo nặng bao giờ cũng nóng  lâu hơn chảo nhẹ và do đó, bạn có thể kiểm soát nhiệt độ của chảo dễ dàng hơn. Còn với các món đòi hỏi chảo nóng nhanh, nhiệt độ cao như làm bít tết, tốt hơn hãy chọn loại chảo khác.

Không để muối hoặc cặn thức ăn bám vào chảo quá lâu vì sẽ gây khó khăn cho việc chùi rửa. Tốt nhất khi nấu xong, để cho chảo thật nguội rồi rửa.

Không dùng những chất tẩy rửa nồng độ cao hoặc bỏ chảo vào máy rửa chén vì chất tẩy rửa và nhiệt độ cao trong máy sẽ làm nhanh hư lớp sơn chống dính. Dụng cụ rửa chảo phải là khăn hoặc mút mềm, tránh dùng những vật có kim loại. Nên rửa sạch không để cặn lắng trong chảo, nhất là các chất mặn, nếu có những vết đốm trắng trên mặt chảo (do muối gây ra) nên dùng miếng chanh cắt nhỏ lau sạch, sau đó rửa sạch bằng nước lã. 

Cuối cùng là không sử dụng khi xoong chảo đã bị trầy xước và bong lớp chống dính. 

Trả lời