7 cách rã đông thực phẩm và những sai lầm cần tránh

Sau một thời gian bảo quản các loại thực phẩm trong tủ lạnh, bạn cần rã đông chúng để có thể sử dụng được. Vậy bạn đã biết cách rã đông thực phẩm an toàn, hiệu quả cũng như những sai lầm cần tránh khi rã đông chưa? Cùng Win Way tìm hiểu chi tiết những thông tin trên nhé!

 

1. Rã đông thực phẩm là một giai đoạn rất quan trọng

Thực phẩm thường được làm đông lạnh với mục đích để không làm chúng bị hư hỏng, biến chất và có thể bảo quản được lâu. Cách làm này sẽ giảm hoạt động vi sinh vật và các enzim, giảm tốc độ oxy hóa chất béo và protein.

Việc rã đông sai cách có thể làm tăng nguy cơ phát triển vi khuẩn có hại trên thực phẩm của bạn. Nguyên nhân là vì thực phẩm sau khi đông lạnh rất dễ bị nhiễm khuẩn nếu không được rã đông đúng cách.

Rã đông thực phẩm là một giai đoạn rất quan trọng

2. Bảy cách rã đông thực phẩm

Sử dụng nước lạnh để rã đông

Sử dụng nước lạnh để rã đông luôn là cách làm hiệu quả và đơn giản nhất để bạn có thể ứng dụng. Cách này giúp thực phẩm phục hồi lại cấu trúc như ban đầu.

Bạn lưu ý cho thực phẩm vào túi kín trước khi rã đông chúng trong nước lạnh nhằm tránh sự xâm nhập của vi khuẩn, mất đi chất dinh dưỡng. Thời gian rã đông thường kéo dài từ 45 phút – 2 tiếng tùy theo trọng lượng của thực phẩm.

Bạn có thể cho một ít muối hoặc gừng tươi đập dập vào nước để thực phẩm tươi ngon trở lại. Cần lưu ý thay nước mỗi 30 phút 1 lần và phải nấu ngay sau khi thực phẩm được rã đông để đảm bảo thực phẩm giữ được hương vị và không bị biến chất.

Sử dụng nước lạnh để rã đông

Rã đông từ từ ở ngăn mát tủ lạnh

Nếu bạn có nhiều thời gian hơn, hãy lựa chọn hình thức rã đông bằng ngăn mát của tủ lạnh vì đây là sự lựa chọn tối ưu nhất và an toàn nhất cho thực phẩm. Bạn chỉ việc di chuyển thực phẩm từ ngăn đông xuống ngăn mát một cách đơn giản, nhanh chóng.

Ngoài ra để nước từ thực phẩm đông đá không chảy ra tủ lạnh, bạn nên để thực phẩm vào hộp đựng thực phẩm, tô, chén hoặc túi bọc kín. Với phương pháp này, thực phẩm sẽ tránh được nguy cơ bị nhiễm khuẩn bởi môi trường bên ngoài.

Bên cạch đó, rã đông từ từ ở ngăn mát tủ lạnh còn giúp cho bạn có thể bảo quản thực phẩm thêm 3 – 5 ngày nếu chưa chế biến ngay mà không làm thực phẩm hư hỏng hoặc bị biến chất.

Rã đông từ từ ở ngăn mát tủ lạnh

Dùng lò vi sóng rã đông cho thực phẩm cần nấu ngay

Bạn cần rã đông thực phẩm ngay để nấu ăn? Hãy nghĩ ngay đến lò vi sóng. Phương pháp này sẽ giúp rã đông thực phẩm cực kỳ nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn sau khi bạn cho chúng vào lò.

Tuy nhiên cách này chỉ phù hợp khi bạn chế biến ngay sau khi rã đông vì nếu để lâu sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi, ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình bạn.

Dùng lò vi sóng rã đông cho thực phẩm cần nấu ngay

Rã đông bằng nước đường

Phương pháp rã đông này bạn nên thực hiện với các thực phẩm như thịt hoặc các loại rau củ. Không nên rã đông hải sản bằng nước đường sẽ khiến chúng nhiễm vị ngọt và đổi vị khi chế biến.

Cách rã đông bằng đường với thao tác thực hiện khá đơn giản. Đầu tiên, bạn cần có hỗn hợp nước ấm khoảng 40 độ C bằng cách pha nước lạnh và nước sôi theo tỷ lệ 5:1.

Sau đó, bạn cho thêm 2 muỗng canh đường vào cùng và khuấy đều đến khi đường tan hết rồi bắt đầu thả các miếng thịt được đông lạnh vào.

Phân tử đường sẽ làm tinh thể nước đá trong thịt cá tan nhanh hơn. Bên cạnh đó thì còn có tác động của nước ấm sẽ giúp thịt được rã đông nhanh hơn. Chỉ sau 7 – 10 phút bạn vớt thịt ra, để ráo nước là có thể chế biến món ăn ngay.

Rã đông bằng nước đường

Rã đông bằng kim loại

Kim loại vốn là chất dẫn nhiệt rất mạnh nên chúng cũng sẽ giúp các tinh thể nước đá tan ra nhanh hơn, giúp ích cho việc rã đông các thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt.

Với phương pháp này, bạn chỉ cần đặt thịt hoặc kẹp thịt vào các vật dụng kim loại có bề mặt phẳng, sau khoảng 10 phút thì miếng thịt sẽ được rã đông và có thể dùng để chế biến món ngon ngay.

Rã đông bằng kim loại

Rã đông với muối và giấm

Với 2 nguyên liệu muối và giấm mà nhà nào cũng có, bạn có thể khiến cho quá trình rã đông diễn ra nhanh hơn lại còn an toàn cho sức khoẻ. Cách dùng muối và giấm này có thể thực hiện được trên cả thịt hoặc hải sản

Giấm có chứa nhiều axit axetic có tác dụng hạ thấp điểm đóng băng của nước, còn muối là chất xúc tác cực tốt vừa giúp rã đông nhanh lại còn giúp khử bớt vi khuẩn trên thực phẩm.

Bạn chuẩn bị một tô nước, hoà tan hoàn toàn chút muối và giấm, sau đó hãy cho thịt hoặc cá cần rã đông vào.

Rã đông với muối và giấm

Rã đông bằng gừng

Cách rã đông với gừng cũng tương tự như rã đông bằng đường. Bạn cần chuẩn bị một thau nước ấm 40 độ C, sau đó cho vài lát gừng mỏng vào và khuấy đều. Cuối cùng bạn hãy thả miếng thịt cần rã đông vào.

Gừng có tác dụng làm ấm nên sẽ giúp rã đông thịt nhanh chóng. Đồng thời, thịt cũng giữ được màu đỏ tự nhiên, hương vị và các chất dinh dưỡng sau khi rã đông.

Rã đông bằng gừng

3. Những sai lầm cần tránh khi rã đông thực phẩm

Không rã đông bằng dầu nóng

Một số ý kiến cho rằng dầu nóng sẽ làm thực phẩm rã đông nhanh hơn, hoặc có thể vô tình bạn rã đông bằng cách này thì hãy dừng lại vì nước và dầu sôi khi kết hợp với nhau sẽ làm dầu bắn tung tóe và rất nguy hiểm.

Không rã đông bằng dầu nóng

Không rã đông cá quá mềm

Cá sẽ nhạt vị và còn mất chất dinh dưỡng nếu rã đông quá lâu. Vì vậy, bạn chỉ nên rã đông vừa phải, cá vừa mềm tới rồi đem đi chế biến là được

Không rã đông cá quá mềm

Không rã đông bằng lò nướng

Thực phẩm sau khi rã đông bằng lò nướng sẽ khá nhạy cảm với vi khuẩn, cần sử dụng hoặc chế biến ngay sau khi rã đông. Vì vậy bạn cũng nên hạn chế rã đông thực phẩm bằng cách này nhé.

Không dùng lò nướng để rã đông thực phẩm

Không rã đông bằng cách nấu nóng thực phẩm

Bạn ngại rã đông thực phẩm sẽ mất thời gian nên cho vào nồi và nấu luôn. Cách này không những khiến thời gian nấu sẽ lâu hơn mà còn làm cho những chất dinh dưỡng bị phân hủy hết.

Vì vậy, dù có tốn một chút thời gian, bạn cũng nên rã đông thực phẩm trước rồi hãy chế biến món ăn nhé.

Không rã đông bằng cách nấu nóng thực phẩm

Để thực phẩm ở nhiệt độ thường

Nhiều người thường nghĩ để thực phẩm đông lạnh ra ngoài nhiệt độ thường rồi đợi cho chúng rã đông tự nhiên là cách tốt nhất.

Tuy nhiên, đây lại chính là một sai lầm cần tránh bởi dù ở điều kiện thời tiết mùa đông, thực phẩm khi tiếp xúc với môi trường nhiệt độ thường vẫn có nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập và gây hư hỏng.

Để thực phẩm ở nhiệt độ thường

Tái trữ đông thực phẩm đã rã đông

Khi đã lỡ rã đông thực phẩm nhiều hơn so với nhu cầu cần nấu, bạn vẫn nên cố gắng chế biến hết phần thịt, cá,… chứ không bỏ vào trữ đông lần 2.

Nguyên nhân là vì thực phẩm một khi đã được rã đông rất dễ bị nhiễm vi khuẩn. Việc trữ đông lại sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm, có thể gây ngộ độc khi sử dụng tiếp lần sau.

Không tái trữ đông thực phẩm đã rã đông

Rã đông từ lò vi sóng nhưng không dùng ngay

Nếu bạn đã rã đông thực phẩm bằng lò vi sóng mà không chế biến ngay thì vi khuẩn sẽ có cơ hội tấn công, sinh sôi, gây tình trạng ôi thiu thực phẩm. Vì vậy, cần lưu ý chỉ khi nào đã sẵn sàng chế biến món ăn thì mới rã đông theo cách này.

Rã đông thịt bằng lò vi sóng

Rã đông quá lâu trong lò vi sóng

Lò vi sóng có khả năng rã đông thực phẩm rất nhanh nên bạn chỉ cần chọn khoảng thời gian đúng với khối lượng thực phẩm. Thông thường các lò vi sóng sẽ quy định sẵn thời gian rã đông theo khối lượng. Hạn chế để quá lâu bởi sẽ khiến thực phẩm chín, gây ảnh hưởng tới việc chế biến sau đó.

Chọn thời gian rã đông phù hợp với khối lượng thực phẩm

Rã đông cùng với màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng

Không phải tất cả loại màng bọc thực phẩm đều có thể cho vào lò vi sóng. Nếu vô tình sử dụng sai loại, lò vi sóng có thể phát nổ hoặc sản sinh ra các chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

Do vậy, tốt hơn hết là bạn cần bỏ hết màng bọc thực phẩm ra trước khi cho thực phẩm vào lò vi sóng để rã đông.

Rã đông cùng với màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng

Ngâm thực phẩm đông lạnh trong nước nóng

Nhiều chị em nội trợ có thói quen sử dụng nước nóng để rã đông thực phẩm cho nhanh, giúp tiết kiệm thời gian.

Tuy nhiên, cách làm này sẽ khiến mặt ngoài của thực phẩm ấm lên, rã đông nhanh chóng còn bên trong vẫn đông đá. Như vậy vừa làm thực phẩm trở nên kém ngon vừa khiến vi khuẩn có điều kiện nảy nở ở mặt ngoài.

Ngâm thực phẩm đông lạnh trong nước nóng

Rã đông rau củ và trái cây

Các loại rau củ, trái cây nếu rã đông sẽ dễ bị mềm nhũn và mất chất dinh dưỡng, ảnh hưởng tới hương vị. Vì vậy, với rau củ bạn nên cho vào nồi nấu luôn, còn trái cây thì để xuống ngăn mát hoặc rửa qua với nước lạnh cho bớt đá là được.

Trái cây và rau củ đông lạnh

4. Cách bảo quản thực phẩm an toàn trong tủ lạnh

Cho thực phẩm vào hộp đựng chuyên dụng

Khi thực phẩm mua về cần được sơ chế ngay và để vào tủ lạnh tránh ôi thiu. Khi trữ đông các thực phẩm cần cho vào các hộp chuyên dụng giúp cho các loại mùi thức ăn không bị ám vào nhau.

Cho thực phẩm vào hộp đựng chuyên dụng

Phân loại thức ăn theo thời gian

Những thức ăn có hạn sử dụng hết trước nên được bỏ ra phía cửa tủ, để bạn không bị quên và quá hạn sử dụng, gây lãng phí thực phẩm.

Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên

Dọn dẹp tủ lạnh ít nhất 1 lần trong mỗi tuần để đảm bảo sự sạch sẽ và gọn gàng của tủ. Điều này sẽ hạn chế vi khuẩn cũng như mùi hôi phát sinh bên trong tủ, giúp thực phẩm được bảo vệ tốt hơn.

Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên

Chế biến thực phẩm ngay sau khi rã đông

Thực phẩm đã lấy ra khỏi ngăn đông đá thì phải dùng luôn. Đã rã đông rồi lại cho vào ngăn đông đá là một trong các lý do hàng đầu gây nhiễm độc thực phẩm.

Phân loại thực phẩm theo thực phẩm chín và sống

Khi bảo quản đồ sống và đồ chín trong cùng một nơi sẽ rất dễ gặp tình trạng bị nhiễm khuẩn chéo do vi khuẩn từ thực phẩm sống bám vào và sinh sôi tại thực phẩm chín, gây hư hỏng.

Do đó, bạn nên phân loại thực phẩm sống và chín rồi cho vào các hộp riêng có nắp kín và để cách xa nhau. Lưu ý, khi cất đồ chín thì hãy đợi tới lúc món ăn nguội hẳn rồi mới cho vào tủ lạnh. Tránh để lúc nhiệt độ cao vì sẽ làm thức ăn bị biến đổi chất và sản sinh ra các chất có hại.

Phân loại thực phẩm theo thực phẩm chín và sống trước khi bảo quản

Bọc kín thực phẩm trước khi cho vào tủ

Nếu không có các hộp đựng thực phẩm chuyên dụng, bạn có thể sử dụng màng bọc thực phẩm hoặc túi zip để bọc kín thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh.

Điều này vừa giúp giảm bớt vi khuẩn lây lan, vừa hạn chế mùi thức ăn bị ám vào nhau trong không gian tủ.

Dùng màn bọc thực phẩm bọc kín thịt

Phân loại những loại trái cây và rau củ không nên bảo quản trong tủ

Không phải loại trái cây, rau củ nào cũng thích hợp hay cần thiết phải bảo quản trong tủ lạnh. Vì vậy, bạn nên phân loại kỹ, tránh việc cho tất cả thực phẩm mình có vào trong tủ, vừa không đảm bảo an toàn vừa tốn diện tích.

Ví dụ như chuối, đu đủ,… sẽ dễ bị thâm đen và ám mùi khi để trong tủ lạnh. Một số loại quả khi còn xanh như táo, bơ, cà chua… có khả năng tạo ra ethylene​ làm chín tự nhiên nên nếu bảo quản lạnh sẽ ảnh hưởng đến hương vị của chúng và các thực phẩm khác trong tủ. Do đó, những loại quả này bạn không nên cho vào tủ lạnh.

Không nên cho chuối vào tủ lạnh

5. Mẹo chế biến thực phẩm tươi ngon sau khi rã đông

Khi rã đông xong, bạn cần chế biến ngay để thực phẩm giữ độ tươi ngon và an toàn cho sức khỏe.

Bởi nếu để miếng thịt đã rã đông ở nhiệt độ khoảng 20 độ C trong vài giờ thì có thể có tới 10 tỷ mầm vi khuẩn/gr thịt, rất nguy hiểm nếu đem sử dụng. Hơn nữa khi để lâu sản phẩm rã đông ở bên ngoài, các vi chất vitamin và hương vị cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Chế biến thực phẩm ngay sau khi rã đông

6. Thời gian lý tưởng để bảo quản thịt cá

Bảo quản trong ngăn mát

  • Thịt gia cầm sống: 1 – 2 ngày
  • Thịt xay sống: 1 – 2 ngày
  • Thịt sống đã thái: 3 – 4 ngày
  • Cá sống: 1 – 2 ngày
  • Thịt chín (cá, gia cầm,…): 3 – 4 ngày
  • Xúc xích và thịt nguội: một tuần (nếu để hở) hoặc hai tuần (nếu đóng kín)

Bảo quản trong tủ đông, ngăn đá

  • Thịt gia cầm sống: 9 tháng (cắt miếng) hoặc 1 năm (nguyên con)
  • Thịt bò xay sống: 3 – 4 tháng
  • Thịt sống đã cắt miếng: 4 – 12 tháng tùy từng loại
  • Cá sống: 6 tháng
  • Thịt chín (cá, gia cầm,…): 2 – 6 tháng
  • Xúc xích và thịt nguội: 1 – 2 tháng

Thời gian rã đông thịt, cá

 

Trên đây là những thông tin hữu ích về 7 cách rã đông thực phẩm và những sai lầm cần tránh cùng với mẹo bảo quản thực phẩm an toàn trong tủ lạnh. Bạn thường áp dụng cách rã đông nào, hãy chia sẻ ngay với Win Way bằng cách để lại bình luận bên dưới bài viết này nhé!

Trả lời